Quy định về nguyên tắc đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước
Nguyên tắc đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước quy định tại Điều 3 Thông tư 18/2020/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Các đơn vị, tổ chức được đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN nơi đơn vị đóng trụ sở chính.
- Trường hợp đơn vị, tổ chức cần đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN ở địa phương khác không thuộc địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính, phải được sự đồng ý của KBNN cấp trên bằng văn bản. Cụ thể: trường hợp đơn vị có trụ sở chính trên địa bàn huyện khác với địa bàn huyện nơi KBNN có nhu cầu giao dịch thì phải xin ý kiến của KBNN tỉnh, trường hợp đơn vị có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh khác với địa bàn tỉnh nơi KBNN có nhu cầu giao dịch thì phải xin ý kiến của KBNN (trung ương). Trường hợp đã giao dịch tại KBNN khác, phải có Bản xác nhận đã tất toán tài khoản của KBNN nơi đơn vị đã giao dịch trừ trường hợp đối với tài khoản thu NSNN.
- Đối với các tài khoản thanh toán vốn đầu tư, tài khoản tiền gửi ban quản lý dự án, tùy theo quy định về phân cấp kiểm soát thanh toán vốn đầu tư của KBNN tỉnh, thành phố (dự án đầu tư do cơ quan KBNN tỉnh, thành phố hoặc do KBNN quận, huyện thực hiện kiểm soát, thanh toán), KBNN hướng dẫn chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN địa phương phù hợp, đảm bảo cho việc giao dịch được thuận tiện.
- Nhà thầu chính, nhà thầu phụ có thể đăng ký và sử dụng tài khoản tiền gửi tại các đơn vị KBNN để tiếp nhận các khoản thanh toán của đơn vị, Ban quản lý dự án theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Giấy đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu, mẫu chữ ký được lập khi đơn vị đăng ký tài khoản tại KBNN; phải được ghi đầy đủ các yếu tố quy định trên mẫu; Chủ tài khoản ký tên và đóng dấu của đơn vị, tổ chức gửi cơ quan KBNN nơi đơn vị đăng ký sử dụng tài khoản. Các nội dung trên Giấy đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu, mẫu chữ ký đã đăng ký với KBNN có giá trị kể từ ngày KBNN thông báo chấp nhận yêu cầu đăng ký sử dụng tài khoản và mẫu dấu, mẫu chữ ký đến khi đơn vị, tổ chức đăng ký lại mẫu dấu, mẫu chữ ký hoặc tất toán tài khoản, ngừng giao dịch tại KBNN.
- Tất cả các chữ ký (chữ ký thứ nhất, chữ ký thứ hai) đều phải được ký vào từng liên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký tại KBNN. Dấu của đơn vị, tổ chức trên chứng từ phải phù hợp với mẫu dấu còn giá trị đã đăng ký tại KBNN.
Trước khi sử dụng chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử với KBNN, các đơn vị giao dịch phải thông báo chữ ký số của các cá nhân liên quan thuộc đơn vị giao dịch tham gia giao dịch điện tử với KBNN. Chữ ký số của các cá nhân tham gia giao dịch điện tử với KBNN phải gắn với từng chức danh tham gia và theo từng loại giao dịch cụ thể.
Chữ ký số được thông báo để ký chức danh chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền (chữ ký thứ nhất); kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán hoặc người được ủy quyền (chữ ký thứ hai) trên các chứng từ chuyển tiền qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN phải là chữ ký số tương ứng của người đã được KBNN chấp thuận ký chữ ký thứ nhất và ký chữ ký thứ hai trong hồ sơ đăng ký mở và sử dụng tài khoản của đơn vị giao dịch.
Số lượng chữ ký số cho chữ ký thứ nhất và chữ ký thứ hai không được vượt quá số lượng người ký chữ ký tương ứng quy định tại Điều 8 Thông tư này.
- Khi thực hiện phong tỏa hoặc tất toán tài khoản, các đơn vị, tổ chức và KBNN phải đối chiếu số liệu, xác nhận số dư đến ngày đối chiếu. Việc xử lý và chuyển số dư của tài khoản đến nơi khác thực hiện theo yêu cầu cụ thể được pháp luật cho phép của đơn vị, tổ chức hoặc yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Các đơn vị đăng ký tài khoản tại KBNN (kể cả UBND cấp xã) có trách nhiệm thực hiện đối chiếu và gửi xác nhận số dư tài khoản với KBNN hàng tháng, quý, năm tùy thuộc vào từng loại tài khoản hoặc đối chiếu đột xuất khi có yêu cầu theo mẫu biểu quy định.
- Nguyên tắc xác định đối tượng được trả lãi tiền gửi, không được trả lãi tiền gửi, trả phí dịch vụ thanh toán và không phải trả phí thanh toán được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
- Việc thu phí dịch vụ thanh toán được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
+ KBNN không hoàn trả lại khoản phí dịch vụ thanh toán đã thu trong trường hợp đơn vị, tổ chức yêu cầu hủy bỏ dịch vụ thanh toán hoặc dịch vụ thanh toán không thực hiện được vì những sai sót, sự cố không phải do lỗi của KBNN gây ra.
+ KBNN không thu phí dịch vụ thanh toán đối với các khoản thanh toán trực tiếp giữa đơn vị, tổ chức với KBNN (trích tài khoản để trả phí dịch vụ thanh toán, trả tiền mua ấn chỉ của Kho bạc, ...), giữa đơn vị, tổ chức với các đơn vị, tổ chức khác cùng đăng ký và sử dụng tài khoản tại một KBNN.
+ KBNN không tự ý khấu trừ số tiền thanh toán của đơn vị, tổ chức để thu phí dịch vụ thanh toán.
Ban biên tập phản hồi thông tin.
Thư Viện Pháp Luật