Trách nhiệm của người khai hải quan đối với hàng hóa quá cảnh qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN
Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực ngày 01/6/2020) thì người khai hải quan đối với hàng hóa quá cảnh qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN có những nghĩa vụ sau:
- Chịu trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS;
- Tuân thủ các quy định về quá cảnh hàng hóa quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan;
- Vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, cửa khẩu theo quy định và thời gian đăng ký với cơ quan hải quan nước đi;
- Không được tự ý mở niêm phong hải quan khi chưa có sự cho phép của cơ quan hải quan;
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhập khẩu, thuế khác và các khoản phí, lệ phí phải nộp phát sinh đối với hàng hóa quá cảnh;
- Tìm hiểu, nghiên cứu thông tin về chính sách quản lý đối với hàng hóa quá cảnh của các nước dự kiến thực hiện hoạt động quá cảnh và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quá cảnh (nếu có) trước khi thực hiện khai các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS. Thông tin về giấy phép quá cảnh hàng hóa phải được kê khai thông qua Hệ thống ACTS khi đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan và xuất trình cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục quá cảnh hàng hóa;
- Thông báo cho cơ quan hải quan hoặc một trong các cơ quan: chính quyền địa phương, công an, bộ đội biên phòng nơi xảy ra bất thường trong hành trình quá cảnh hàng hóa sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất quy định tại Nghị định này;
- Lưu trữ hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa quá cảnh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai quá cảnh hải quan thông qua Hệ thống ACTS;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật Hải quan.
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật