Quy định về việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ
Tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP, có quy định như sau:
- Việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
- Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc trả lại khi đã có quyết định trả lại tang vật, phương tiện theo trình tự như sau:
+ Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện tang vật, phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận.
Người đến nhận lại tang vật, phương tiện phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện thì phải lập văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật;
+ Yêu cầu người đến nhận lại tang vật, phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản;
+ Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện cho cơ quan điều tra, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc cơ quan giám định thì người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, đặc điểm, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành hai bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ một bản;
+ Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân hoặc đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản thì cơ quan của người đã ra quyết định tịch thu trước đó phối hợp với cơ quan được giao chủ trì xử lý tài sản tổ chức chuyển giao tài sản và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến tài sản cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận.
- Tang vật, phương tiện khi đã được đưa ra khỏi nơi tạm giữ và trả lại cho người nhận thì người nhận tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm về việc mất, thay đổi đối với tang vật, phương tiện đó.
- Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện sau khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc sau khi đã chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ, tịch thu trước đó về kết quả đã thực hiện.
Ban biên tập phản hồi thông tin.
Thư Viện Pháp Luật