Trình tự, thủ tục mở niêm phong tài liệu, chứng từ, con dấu của pháp nhân bị tạm giữ

Tôi nghe nói Chính phủ mới ban hành quy định mới điều chỉnh về việc cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, cho tôi hỏi theo quy định này thì việc mở niêm phong để bàn giao tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bị tạm giữ được thực hiện theo trình tự, thủ tục thế nào?

Căn cứ Điều 40 Nghị định 44/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực ngày 01/6/2020) quy định trình tự, thủ tục mở niêm phong để bàn giao tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại bị tạm giữ như sau:

1. Chuẩn bị mở niêm phong

Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền chủ trì tổ chức thực hiện mở niêm phong phải thông báo cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại và đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử , con dấu của pháp nhân thương mại và đại diện chính quyền địa phương nơi mở niêm phong.

2. Thực hiện mở niêm phong

- Kiểm tra niêm phong của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại trước khi mở niêm phong;

- Gỡ giấy niêm phong và mở tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại được đóng gói hoặc được đóng kín.

- Gỡ giấy niêm phong đối với tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại không được đóng gói hoặc không được đóng kín;

- Kiểm tra tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại sau khi mở niêm phong.

3. Kết thúc mở niêm phong

- Khi kết thúc mở niêm phong phải lập biên bản; biên bản mở niêm phong phải mô tả đúng tình trạng niêm phong trước khi mở, thực trạng của tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại sau khi mở niêm phong và có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm theo chú thích họ tên của người điểm chỉ) của người trực tiếp chủ trì, người tham gia mở niêm phong. Biên bản do cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thực hiện mở niêm phong lập thành 02 bản có giá trị như nhau, 01 bản giao cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, 01 bản đưa vào hồ sơ thi hành án.

- Trường hợp kiểm tra niêm phong không còn nguyên vẹn, phải lập biên bản về tình trạng niêm phong tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử của pháp nhân thương mại, thực trạng của các tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Sau khi kết thúc mở niêm phong thì cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải bàn giao các tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại. Việc bàn giao phải được lập biên bản có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm theo chú thích họ tên của người điểm chỉ) của người trực tiếp chủ trì, người tham gia mở niêm phong theo quy định của pháp luật và Nghị định này.

Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào