Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là gì?

Chị Huệ (hue***@gmail.com) hỏi: Sắp tới đây khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thì tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 22/05/2020) thì nội dung này được quy định như sau:

- Về quyền:

+ Được hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

+ Được tra cứu, theo dõi, tải về toàn bộ hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính đã gửi thành công từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử;

+ Được bảo quản, lưu trữ an toàn đối với hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính dưới dạng điện tử theo quy định của pháp luật;

+ Được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để phục vụ các hoạt động khác có liên quan trong phạm vi quy định của pháp luật. Việc yêu cầu và xác nhận phải tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;

+ Được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chia sẻ thông tin, dữ liệu là kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân cho cơ quan khác để phục vụ các yêu cầu, lợi ích có liên quan của tổ chức, cá nhân đó.

+ Được công nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử và hồ sơ thủ tục hành chính đã được ký số của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong các giao dịch điện tử;

+ Thực hiện các quyền theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn Luật, thực hiện quyền và trách nhiệm được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

- Về nghĩa vụ:

+ Cung cấp thông tin đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, chính xác;

+ Quản lý, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử an toàn, bảo mật;

+ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin hồ sơ kê khai khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

+ Theo dõi, cập nhật, phản hồi các thông tin liên quan đến giao dịch điện tử với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện theo các hướng dẫn, thông báo của cơ quan gửi tới tổ chức, cá nhân;

+ Thực hiện đầy đủ các quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không được thực hiện các hành vi bị cấm quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và các quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Môi trường

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào