Cơ sở giam giữ có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp, việc làm cho phạm nhân không?
Theo Điều 6 Nghị định 49/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/6/2020) thì cơ sở giam giữ sẽ có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân. Cụ thể như sau:
1. Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.
2. Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.
3. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.
4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, tạo việc làm cho họ.
Như vậy, để thực hiện công tác định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân thì cơ sở giam giữ sẽ phải kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân.
Trân trọng!