Doanh nghiệp cho thôi việc nhiều người lao động do Covid-19 phải làm gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động 2012 quy định: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định thay đổi cơ cấu, công nghệ gồm các trường hợp sau đây:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
Trường hợp công ty cho thôi việc đối với nhiều người lao động thì chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nội dung thông báo gồm:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
- Tổng số lao động; số lao động phải thôi việc;
- Lý do người lao động thôi việc;
- Thời điểm người lao động thôi việc;
- Số tiền phải chi trả trợ cấp mất việc làm.
=> Như vậy, khi công ty bạn tổ chức lại lao động và cho thôi việc nhiều lao động thì trước khi thực hiện phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Ngoài ra, công ty phải xây dựng lại phương án sử dụng lao động gồm các nội dung sau:
- Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
- Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
- Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật