Công ty chấm dứt hợp đồng với NLĐ do dịch Covid-19 phải trả trợ cấp mất việc hay thôi việc?
Tại Khoản 10 Điều 36 và Điều 38 Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nếu do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Do địch họa, dịch bệnh;
- Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012 quy định: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
=> Như vậy, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động do dịch bệnh thì có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Tuy nhiên, trường hợp công ty tổ chức lại lao động do dịch bệnh mà dẫn đến chấm dứt hợp đồng với bạn thì bạn sẽ được trả trợ cấp mất việc theo Điều 49 Bộ luật lao động.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật