Doanh nghiệp nên giải thể hay tạm ngừng kinh doanh vì Covid-19?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì:
1. Về điều kiện, thủ tục
- Tạm ngừng: Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng (Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014).
Lưu ý: Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh được hướng dẫn bởi Điều 57 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
- Giải thể: Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài (Khoản 2 Điều 201). Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp thực hiện theo Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 59 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
2. Hệ quả pháp lý
- Tạm ngừng: Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động như bình thường.
- Giải thể: Chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng hoặc giải thể, tuy nhiên mỗi phương án lại có những ưu nhược điểm riêng. Nhìn chung so với thủ tục giải thể thì thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ đơn giản hơn.
Nếu công ty bạn muốn quay lại hoạt động sau mùa dịch Covid-19 thì có thể chọn giải pháp tạm ngừng. Đây có thể là một cách để công ty giảm thiểu gánh nặng về tiền lương, thuế và các nghĩa vụ khác. Trong thời gian tạm ngừng, công ty có thể tập trung giải quyết những khó khăn, tìm cách huy động vốn.
Công ty cũng có thể quay trở lại hoạt động sớm hơn thời hạn tạm ngừng và phải thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tiếp tục kinh doanh. Ngược lại, nếu sau thời gian tạm ngừng kinh doanh, công ty nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động có thể lựa chọn giải thể doanh nghiệp.
Trân trọng!