Quản lý Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 07/2020/TT-BTC thì nội dung này được quy định như sau:
a) Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước là một bộ phận của Quỹ Ngân sách nhà nước, được hình thành từ các nguồn thu của ngân sách nhà nước phát sinh tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, gồm số tiền thu được từ phí, lệ phí và các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định.
b) Các khoản thu của ngân sách nhà nước phát sinh tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải nộp kịp thời vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí chi đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức rút kinh phí theo kế hoạch, tiến độ thực hiện và tối đa không vượt quá dự toán ngân sách nhà nước được giao và trong phạm vi số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước.
c) Loại tiền thu chi Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước: Đô la Mỹ hoặc tiền địa phương theo quy định của pháp luật nước sở tại.
d) Chế độ báo cáo số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước:
- Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước theo biểu mẫu số 1a; Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo biểu mẫu số 1b.
- Thời hạn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi báo cáo về Bộ Ngoại giao:
+ Báo cáo hàng tháng: Trước ngày 10 tháng sau,
+ Báo cáo hàng quý: Trước ngày 15 tháng đầu của quý sau.
+ Báo cáo hàng năm: Trước ngày 25/1 năm sau.
- Thời hạn Bộ Ngoại giao tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài chính:
+ Báo cáo hàng tháng: Trước ngày 20 tháng sau.
+ Báo cáo hàng quý: Trước ngày 20 tháng đầu của quý sau.
+ Báo cáo hàng năm: Trước ngày 31/1 năm sau.
e) Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý trên 20.000 USD hoặc tương đương, có trách nhiệm chuyển toàn bộ số dư về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước hàng quý trước ngày 30 tháng đầu của quý sau. Đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có số dư quý Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước từ 20.000 USD hoặc tương đương trở xuống, có trách nhiệm chuyển số dư sang quý sau theo dõi.
Đối với số phát sinh Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý IV đến hết ngày 20 tháng 12 và số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý III chuyển sang (nếu có), Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước trước ngày 25 tháng 12 năm thực hiện. Số thu phát sinh sau ngày 20 tháng 12, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng hợp vào số thu và nộp vào ngân sách nhà nước quý I năm sau.
Đối với các địa bàn khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ hoặc chuyển tiền ra nước ngoài, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm chuyển số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước trước ngày 25 tháng 12 năm thực hiện.
Căn cứ tình hình thực tế của các địa bàn, Bộ Ngoại giao quy định danh mục các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ, thông báo đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Kho bạc Nhà nước để thực hiện. Hàng năm, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế.
f) Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm trong việc quản lý các khoản thu, chi Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước đúng quy định. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật.
Trên đây là nội dung hỗ trợ về quản lý Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Trân trọng!