Nhiễm Covid-19 khi đang làm việc có được coi là tai nạn lao động?
Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động (Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012).
Một trong những điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp là: "Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp" (Điều 45, Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015).
Đối với chế độ ốm đau: Theo Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Điều kiện hưởng chế độ ốm đau là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, theo quan điểm chúng tôi không phải mọi trường hợp người lao động bị nhiễm Covid-19 đều coi là tai nạn lao động, tuỳ thuộc vào tính chất công việc và hậu quả để xác định đó là tai nạn lao động hay ốm đau, hay bệnh nghề nghiệp.
Ví dụ: Nếu bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW nhiễm Covid-19 và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do nhiễm bệnh thì được xác định là bệnh nghề nghiệp. Còn trường hợp nhân viên siêu thị điện máy bị nhiễm bệnh do quá trình tiếp xúc với khách hàng thì trường hợp này sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu bị suy giảm khả năng lao động dưới 5%.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!