Khi ly hôn có được đòi lại tiền lương đã góp trong thời kỳ hôn nhân không?
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
=> Theo quy định này, tiền lương là tài sản chung của hai vợ chồng. Tài sản này thuộc sở hữu chung hợp nhất và được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp của bạn, bạn đã sử dụng tiền lương của hai vợ chồng vì mục đich chi tiêu, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình nên chồng bạn không có căn cứ để đòi lại toàn bộ tiền lương đã góp trong thời kỳ hôn nhân.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật