Quy định về thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động đối với lao động nữ
Tại Khoản 4 Điều 32 Bộ luật lao động năm 2012, một trong những trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động là:
- Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Điều 156 Bộ luật này lại có quy định:
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Ngoài ra, Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết Điều 156 Bộ luật lao động như sau:
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
- Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
=> Như vậy, theo các quy định nêu trên, bạn có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Bạn phải báo trước cho công ty, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước này sẽ theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
- Về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:
+ Bạn có thể thỏa thuận với công ty, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.
+ Nếu không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì bạn và công ty thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật