Việc quản lý khí dầu mỏ hóa lỏng được quy định thế nào?
Căn cứ Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8:2019/BKHCN ban hành kèm theo Thông tư 14/2019/TT-BKHCN thì việc quản lý khí dầu mỏ hóa lỏng được quy định như sau:
- LPG sản xuất, chế biến, pha chế phải được công bố hợp quy với các quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
+ Việc công bố hợp quy LPG sản xuất, chế biến, pha chế phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này căn cứ trên kết quả thực hiện chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật (đối với trường hợp áp dụng Phương thức 5); căn cứ trên cơ sở kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật (đối với trường hợp áp dụng Phương thức 7). Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012.
+ Việc thử nghiệm phục vụ cho công bố hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định theo quy định của pháp luật.
- LPG nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng phù hợp với các quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
+ Việc kiểm tra chất lượng LPG nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2c Điều 7 bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
+ Việc thử nghiệm phục vụ cho hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với LPG nhập khẩu được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định theo quy định của pháp luật.
- Các phương thức đánh giá sự phù hợp và nguyên tắc áp dụng được quy định tại Điều 5 và Phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc áp dụng cụ thể như sau:
+ Đối với LPG sản xuất, chế biến, pha chế trong nước áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 “Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất” tại cơ sở sản xuất, chế biến, pha chế. Trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến, pha chế không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5 thì phải áp dụng theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa”;
+ Đối với LPG nhập khẩu áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa” đối với từng lô LPG nhập khẩu. Trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến có yêu cầu chứng nhận tại cơ sở sản xuất, chế biến tại nguồn thì áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 đã được quy định tại điểm 4.3.1.
+ Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy hoặc Chứng thư giám định chất lượng đối với Phương thức 7 chỉ có giá trị đối với từng lô hàng nhập khẩu hoặc lô sản phẩm được lấy mẫu đánh giá hợp quy; đối với Phương thức 5, Giấy chứng nhận có hiệu lực không quá 3 năm.
- Nguyên tắc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, sử dụng kết quả thử nghiệm
+ Tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định) có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước xuất khẩu để phục vụ chứng nhận, giám định nếu tổ chức thử nghiệm đó có đủ năng lực và đáp ứng các quy định tại tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 General requirements for the competence of testing and calibration laboratories (Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn).
+ Trước khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải gửi thông báo đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) việc sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định.
+ Khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm về kết quả chứng nhận, giám định của mình.
- LPG sản xuất, chế biến, pha chế, nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật này và tiêu chuẩn do nhà cung cấp (nhập khẩu, sản xuất, chế biến, pha chế) công bố áp dụng và chịu sự kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định của pháp luật.
+ LPG sử dụng làm khí đốt dân dụng, khí đốt công nghiệp và nhiên liệu cho phương tiện giao thông lưu thông trên thị trường phải đảm bảo đã được bổ sung chất tạo mùi đặc trưng cho khí gas để nhận biết nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dụng.
+ Mùi của khí phải là đặc trưng (nghĩa là phân biệt được và có mùi khó chịu), có thể phát hiện tại nồng độ trong không khí là 20 % giới hạn cháy dưới (LFL), khi được thử nghiệm theo Phụ lục A được quy định tại TCVN 6548:2019.
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật