Quy định đề xuất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh và phê duyệt đề xuất trong BHXH
Căn cứ theo Điều 32 Quyết định 378/QĐ-BHXH năm 2020 quy định đề xuất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh và phê duyệt đề xuất như sau:
- Đề xuất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh
Sau khi nhận đơn kiến nghị, phản ánh do Bộ phận Văn thư cơ quan chuyển đến, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm giúp người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh phải phân công người xử lý đơn. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, người được giao nhiệm vụ xử lý đơn phải nghiên cứu nội dung đơn, phân tích, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan, lập phiếu đề xuất xử lý đơn (Mẫu số 06/PĐX) và dự thảo văn bản theo hướng xử lý đã đề xuất (Công văn hướng dẫn, công văn chuyển đơn, thông báo đơn không đủ điều kiện xử lý...) trình Thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị xem xét, duyệt ký ngay sau khi nhận được đề xuất và báo cáo Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.
+ Đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn, các giấy tờ, tài liệu kèm theo và dự thảo văn bản hướng dẫn người kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền (Mẫu số 07/XLĐ), việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần;
+ Trường hợp đơn kiến nghị, phản ánh vừa có nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH vừa có nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan khác thì giữ lại đơn để xem xét, giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH; những nội dung không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người gửi đơn tách riêng từng nội dung để gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (Mẫu số 09/XLĐ);
+ Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ điều kiện xử lý theo Điểm b, Khoản 3 Điều 6 thì dự thảo Thông báo về việc đơn không đủ điều kiện thụ lý (Mẫu số 11/XLĐ) gửi cho người kiến nghị, phản ánh biết hoặc bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc kiến nghị, phản ánh (nếu có);
+ Đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan cấp dưới nhưng chưa được giải quyết (kể cả trong thời hạn hoặc quá thời hạn giải quyết) thì dự thảo văn bản chuyển đơn để yêu cầu Thủ trưởng cơ quan cấp dưới giải quyết (Mẫu số 12/XLĐ) và thông báo cho người kiến nghị, phản ánh biết; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của Thủ trưởng cơ quan cấp dưới; áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết kiến nghị, phản ánh;
+ Trường hợp nhiều người kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH và trong đơn có chữ ký, họ tên, địa chỉ của những người kiến nghị, phản ánh thì xem xét, giải quyết đơn. Nếu trong đơn chưa cử người đại diện thì hướng dẫn những người kiến nghị, phản ánh có văn bản cử người đại diện;
+ Đơn kiến nghị, phản ánh về BHXH, BHTN, BHYT thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện xử lý thì đề xuất Thủ trưởng cơ quan xem xét, giải quyết.
- Phê duyệt đề xuất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh
Ngay sau khi nhận được Phiếu đề xuất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh kèm theo dự thảo văn bản xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm xem xét, phê duyệt đề xuất, ký ban hành các văn bản kèm theo (nếu có). Trường hợp Thủ trưởng cơ quan có ý kiến chỉ đạo khác với ý kiến đề xuất hoặc nội dung dự thảo văn bản cần chỉnh sửa, bổ sung thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 01 ngày làm việc.
=> Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật