Phải thử việc trước hay phải học việc trước?
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động 2012 thì thời gian thử việc được quy định như sau:
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Hiện tại chưa có quy định pháp luật ghi nhận thứ tự của quan hệ học việc với thử việc là quan hệ nào phát sinh trước, quan hệ nào phát sinh sau. Khi người sử dụng lao động thử việc những người lao động có trình độ chuyên môn nhưng thấy chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và cần phải dạy họ thì quan hệ thử việc phát sinh trước quan hệ học nghề. Nhưng ngược lại, người lao động đã qua trình độ đào tạo phổ thông thường chưa có kinh nghiệm công việc nên buộc phải dạy nghề cho họ trước rồi thử để thông qua công việc đã học. Chính vì vậy, công ty có thể linh hoạt áp dụng quan hệ học nghề và thử việc tùy vào từng vị trí công việc và hồ sơ của người lao động.
Thời gian học nghề (học việc) là khoảng thời gian người sử dụng lao động ước tính truyền đạt, chỉ dẫn cho người học nghề những kỹ năng cơ bản để thực hiện được nghề. Trên thực tế, có nhiều vị trí công việc người sử dụng lao động cần phải chỉ dạy cho người lao động bởi kỹ năng công việc rất đa dạng, phức tạp và thường không được dạy chi tiết tại cơ sở giáo dục. Ví dụ như nghiệp vụ kế toán, ngân hàng, tư vấn pháp luật… Chính vì vậy, Bộ Luật Lao động không quy định chi tiết thời gian học nghề là bao lâu.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật