Nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn
Theo Điều 16 Quy định về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo ban hành kèm theo Quyết định 333/QĐ-TLĐ năm 2020 quy định nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn như sau:
- Tố cáo cán bộ, đoàn viên công đoàn có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Điều lệ Công đoàn, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn thuộc quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc quyền quản lý của các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp của công đoàn cấp nào thì thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống công đoàn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
- Tố cáo mà người có thẩm quyền đã giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật hoặc tố cáo đã quá thời hạn quy định mà không được giải quyết thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét, giải quyết như sau:
+ Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền là đúng pháp luật thì trả lời cho người tố cáo biết;
+ Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền trước đó trái quy định của pháp luật thì tiến hành thụ lý giải quyết theo trình tự.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên công đoàn xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, nghỉ hưu được xử lý như sau:
+ Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
Ban biên tập thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật