Có vi phạm luật khi đi khách sạn cùng người yêu?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú
- Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.
Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn.
=> Khi lưu trú tại các cơ sở lưu trú thì khách hàng phải xuất trình các giấy tờ tùy thân cho cơ sở lưu trú kiểm tra như quy định
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP còn quy định về trách nhiệm chung áp dụng đối với các ngành, nghề như sau:
- Không sử dụng cơ sở kinh doanh để thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
- ....
Như vậy, khi khách thuê phòng thì phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đồng thời chủ khách sạn nếu biết khách có vi phạm mà vẫn cho thuê phòng nhằm trục lợi thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các hành vi tương ứng như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, chứa chấp hoặc che giấu tội phạm…
=> Hiện tại, pháp luật không cấm việc nam, nữ (không có quan hệ gia đình) thuê phòng ở chung với nhau; cũng như không có quy định về việc nam nữ phải là vợ chồng (phải có đăng ký kết hôn) mới được thuê phòng nghỉ chung.
Tuy nhiên nếu nam nữ muốn thuê phòng ở chung (khi giữa họ không có quan hệ gia đình), thông thường các khách sạn yêu cầu họ phải đủ tuổi để có năng lực hành vi đầy đủ, quan hệ tự nguyện, không vì mục đích mua bán hoặc lợi nhuận khác, hành vi không vi phạm đạo đức và pháp luật.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật