Quy định về việc tiến hành thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế
Việc tiến hành thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được quy định tại Mục II Phần II Quyết định 1404/QĐ-TCT năm 2015, cụ thể:
a) Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung được thanh tra như: Sổ kế toán, chứng từ kế toán, thuyết minh báo cáo tài chính,...Đối với những thông tin tài liệu, số liệu người nộp thuế đã nộp cho cơ quan thuế theo qui định hiện hành như: Tài liệu, hồ sơ về đăng ký, kê khai, nộp thuế, báo cáo sử dụng hóa đơn ... thì đoàn thanh tra không yêu cầu người nộp thuế cung cấp mà khai thác, tra cứu tại cơ quan thuế để phục vụ cho việc thanh tra.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện kế toán trên máy vi tính bằng phần mềm kế toán (đáp ứng qui định tại Thông tư số 103/2005/TT-BTC ngày 24/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của phần mềm kế toán) thì đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp sổ kế toán được lưu trữ trên các dữ liệu điện tử đọc được bằng các phần mềm văn phòng thông dụng, có nội dung như bản người nộp thuế phải in ra để lưu trữ theo qui định, mà không yêu cầu in ra giấy.
Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên trong đoàn thanh tra không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra; thông tin tài liệu thuộc bí mật của Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đoàn thanh tra có trách nhiệm kiểm đếm, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu đúng mục đích, không để thất lạc tài liệu.
b) Đoàn thanh tra căn cứ sổ kế toán, hồ sơ, tài liệu do người nộp thuế cung cấp và hồ sơ khai thuế mà người nộp thuế đã gửi Cơ quan Thuế để:
- Xem xét, đối chiếu các tài liệu do người nộp thuế cung cấp với tài liệu hiện có tại Cơ quan thuế.
- Đối chiếu số liệu ghi chép trên chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo giải trình để phát hiện chênh lệch tăng hoặc giảm so với Hồ sơ khai thuế.
- Đối chiếu với các quy định của Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành của từng thời kỳ tiến hành thanh tra để xác định việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.
- Sử dụng nghiệp vụ để tiến hành thanh tra các nội dung cần thanh tra.
c) Đối với những sự việc, tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở kết luận Đoàn thanh tra chuẩn bị chi tiết nội dung yêu cầu người nộp thuế giải trình bằng văn bản. Trường hợp giải trình bằng văn bản của người nộp thuế chưa rõ Đoàn thanh tra tổ chức đối thoại, chất vấn người nộp thuế để làm rõ nội dung và trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Cuộc đối thoại, chất vấn phải được lập biên bản theo mẫu số 03/QTTTr có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế, trường hợp cần thiết được ghi âm.
d) Trong trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra để làm căn cứ cho việc kết luận thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo Lãnh đạo bộ phận thanh tra để trình Lãnh đạo cơ quan thuế quyết định trưng cầu giám định. Việc giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng cầu giám định. Khi có kết quả giám định, Trưởng đoàn thanh tra phải công bố cho người nộp thuế được biết.
đ) Khi xét thấy cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Quyết định niêm phong tài liệu được ban hành theo mẫu (số 14/KTTT ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính) và kèm theo biên bản niêm phong. Biên bản phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế và đoàn thanh tra theo mẫu (số 15/KTTT ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính).
Thời hạn niêm phong tài liệu không được vượt quá thời hạn kết thúc cuộc thanh tra. Việc khai thác tài liệu niêm phong phải được sự đồng ý của Trưởng đoàn thanh tra.
Khi không cần thiết áp dụng biện pháp niêm phong nữa thì người ra quyết định niêm phong phải ra quyết định hủy bỏ biện pháp niêm phong và lập biên bản về danh mục tài liệu hủy bỏ niêm phong. Biên bản phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế và Trưởng đoàn thanh tra. Mẫu số 04/QTTTr Quyết định hủy bỏ niêm phong và Biên bản hủy bỏ niêm phong ban hành kèm theo quy trình này.
e) Trong quá trình thực hiện quyết định thanh tra, đoàn thanh tra thấy cần thiết phải kiểm kê tài sản để đối chiếu giữa sổ sách, chứng từ kế toán với thực tế thì Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định kiểm kê tài sản trong phạm vi nội dung của Quyết định thanh tra thuế. Việc kiểm kê phải ra Quyết định kiểm kê theo mẫu (số 16/KTTT ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính) và lập Biên bản ghi rõ thành phần tham dự, địa điểm tiến hành, tên, số lượng, tình trạng tài sản theo mẫu (số 17/KTTT ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính).
Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp kiểm kê tài sản thì người ra quyết định kiểm kê phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó (theo mẫu số 05/QTTTr).
f) Trường hợp phải tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép thì đoàn thanh tra thực hiện trình tự, thủ tục về tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép theo qui định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
g) Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các thành viên đoàn thanh tra tiến hành lập Biên bản xác nhận số liệu thanh tra với người nộp thuế mẫu số 06/QTTTr ban hành kèm theo quy trình này. Biên bản xác nhận số liệu thanh tra là một trong những căn cứ để Đoàn thanh tra lập Biên bản thanh tra.
h) Trong trường hợp thực hiện nội dung Quyết định thanh tra có các đơn vị thành viên thì kết thúc thanh tra tại mỗi đơn vị, Đoàn thanh tra phải lập Biên bản thanh tra đối với từng đơn vị. Biên bản thanh tra với từng đơn vị làm căn cứ để Đoàn thanh tra lập Biên bản tổng hợp kết quả thanh tra.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật