Tổng hợp quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực thuế, hải quan
Theo Điều 7 Nghị quyết 94/2019/QH14 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý nợ như sau:
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:
a) Hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý nợ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị quyết này;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan quản lý thuế thực hiện xử lý nợ đúng quy định;
c) Tổng hợp báo cáo Chính phủ tình hình xử lý nợ để Chính phủ báo cáo Quốc hội.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc xác nhận, xử lý nợ, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo quy định của Nghị quyết này;
b) Báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả xử lý nợ hằng năm khi trình Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
3. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm tra, xác định đối tượng nợ thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tiếp nhận và lập hồ sơ xử lý nợ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nợ theo quy định của Nghị quyết này;
b) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra xử lý nợ bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh thất thoát ngân sách;
c) Công khai quyết định khoanh nợ tiền thuế, quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm sau đây:
a) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế có quyết định giải thể;
b) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh;
c) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế quyết định hoặc thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5. Cơ quan Công an trên địa bàn nơi người nộp thuế có trụ sở kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:
a) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú;
b) Phối hợp với cơ quan quản lý thuế xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
6. Tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản, biến động số dư tài khoản của người nộp thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
7. Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm sau đây theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế:
a) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ có liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
b) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc thực hiện xử lý phá sản của người nộp thuế đang làm thủ tục phá sản.
8. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc xử lý nợ đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Nghị quyết này và quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật