Công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực ngày 01/04/2020) quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như sau:
- Đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông.
- Quy trình bảo đảm an toàn giao thông phải thể hiện rõ các nội dung sau:
+ Áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải: theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải; thực hiện kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô và lái xe ô tô trước khi thực hiện hành trình (đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị); chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của lái xe; chế độ bảo dưỡng sửa chữa đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trên hành trình; có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách); tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe; có phương án xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình kinh doanh vận tải; chế độ báo cáo về an toàn giao thông đối với lái xe, người điều hành vận tải;
+ Áp dụng đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng: Kiểm tra điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô, lái xe ô tô, hàng hóa và hành lý của hành khách trước khi xuất bến; chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe; chế độ báo cáo về an toàn giao thông.
- Đơn vị kinh doanh vận tải
+ Sử dụng xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 53, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 55 của Luật giao thông đường bộ; phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh) và có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe;
+ Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi;
+ Sử dụng lái xe kinh doanh vận tải phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng;
+ Lập, cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 việc cập nhật được thực hiện qua phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải.
- Đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe kinh doanh vận tải phải thực hiện thời gian làm việc trong ngày và thời gian lái xe liên tục theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật giao thông đường bộ. Thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục như sau:
+ Đối với lái xe taxi, xe buýt nội tỉnh tối thiểu là 05 phút;
+ Đối với lái xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt liên tỉnh, xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ô tô vận tải khách du lịch, xe ô tô vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe ô tô vận tải hàng hóa tối thiểu là 15 phút.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và lộ trình áp dụng quy trình bảo đảm an toàn giao thông đối với bến xe; quy định nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe; hướng dẫn lập, cập nhật lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe.
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật