Việc xác định số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương theo Luật mới theo nguyên tắc nào?
Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) có quy định:
Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm sáu mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu;
- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu chín mươi lăm đại biểu.
Bên cạnh đó, Luật này cũng quy định:
Từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật