Thành viên Ngân hàng hợp tác xã phải đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ Điều 34 Thông tư 31/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 21/2019/TT-NHNN, Khoản 1 Điều 145 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bởi Luật các tổ chức tín dụng 2017:
* Đối với quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tín dụng khác: tại thời điểm đề nghị tham gia là thành viên thì không thuộc đối tượng áp dụng kiểm soát đặc biệt, cụ thể các trường hợp sau:
- Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn (tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ) trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
* Đối với pháp nhân khác: Hoạt động kinh doanh có lãi trong năm liền kề năm đề nghị tham gia là thành viên.
* Các đối tượng nêu trên phải góp đủ vốn góp (mức vốn góp xác lập tư cách thành viên khi tham gia ngân hàng hợp tác xã tối thiểu là 10.000.000 đồng; mức vốn góp thường niên đối với thành viên ngân hàng hợp tác xã tối thiểu là 1.000.000 đồng), phải có đơn đề nghị và cử đại diện hợp pháp tham gia.
Lưu ý: Xem thêm tại Điều 31 Thông tư 31/2012/TT-NHNN quy định về góp vốn tham gia ngân hàng hợp tác xã.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật