Mức phạt khi chuyển nhượng phần vốn góp khi tăng vốn điều lệ chưa có sự chấp thuận của Ngân hàng nhà nước

Xin chào, tôi có nội dung thắc mắc như sau: Ngân hàng thương mại nơi tôi đang công tác có thực hiện tăng vốn điều lệ, tôi là thành viên góp vốn của Ngân hàng này. Tôi xin hỏi: Trong thời gian ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ thì tôi có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình hay không?

Căn cứ Điều 71 Luật Tổ chức tín dụng 2010 có nội dung quy định như sau:

Điều 71. Chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp

1. Thành viên góp vốn được chuyển nhượng phần vốn góp, ưu tiên góp thêm vốn khi tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện nhận chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại vốn góp của tổ chức tín dụng.

Như vậy, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng được phép chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại thời điểm tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 6 Điều 5 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với việc thực hiện một trong các hành vi sau đây khi chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản:
...

b) Góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 71, điểm b khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng;
...

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Biện pháp khắc phục:

- Buộc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết đối với hành vi vi phạm nêu trên.

- Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, khi bạn thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại tổ chức tín dụng trong thời gian tăng vốn điều lệ thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng nhà nước. Nếu thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp không có sự chấp thuận của Ngân hàng nhà nước sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.

Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào