Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động cần thủ tục gì?
1. Cơ sở pháp lý.
- Luật bảo hiểm xã hội 2014;
- Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019.
2. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
*Trường hợp 1: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Cán bộ, công chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
=> Được hưởng chế độ hưu trí khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH thuộc trong trường hợp sau:
- Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
*Trường hợp 2. Đối với sĩ quan quân đội hoặc Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
=> Được hưởng chế độ hưu trí trước tuổi do suy giảm khả năng lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
3. Hồ sơ hưởng.
- Sổ BHXH.
- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 46/2010/NĐ-CP hoặc Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí theo mẫu 12-HSB hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí.
- Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK (bản chính, trường hợp người lao động đã có biên bản GĐYK để hưởng các chính sách khác trước đó mà đủ điều kiện hưởng thì có thể thay bằng bản sao) đối với người nghỉ hưu do suy giảm KNLĐ hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm KNLĐ 61%) đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu 04B-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực).
4. Nơi nộp hồ sơ.
=> Cơ quan bảo hiểm.
5. Quy trình thực hiện.
Bước 1. Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2. Cơ quan bảo hiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và tổ chức chi trả cho người lao động (nếu đủ điều kiện được hưởng và hồ sơ hợp lệ).
Nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Thời gian giải quyết
=> Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu.
Trên đây là thủ tục hưởng chế độ hưu chí đối với người đủ điều kiện hưởng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật