Nội dung chính của phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động

Hỏi: Doanh nghiệp Y xây dựng hệ thống lạnh được xác định là công trình có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động nên đã lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường. Tuy nhiên, khi trình cơ quan có thẩm quyền thì phương án này chưa được chấp nhận do chưa có đề xuất phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp. Lý do cơ quan Nhà nước không chấp nhận phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động của doanh nghiệp Y có căn cứ không?

Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có các nội dung chính sau đây:

a) Địa điểm, quy mô công trình, cơ sở phải nêu rõ khoảng cách từ công trình, cơ sở đến khu dân cư và các công trình khác;

b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục trong công trình, cơ sở;

c) Nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động;

d) Các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu các yếu tố nguy hiểm, có hại; phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp.

Căn cứ điểm d nêu trên, lý do cơ quan Nhà nước không chấp nhận phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động của doanh nghiệp Y là có căn cứ pháp luật. Doanh nghiệp Y cần nghiên cứu bổ sung phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp theo hướng dẫn để đảm bảo quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào