Điều chỉnh công việc phát sinh ngoài hợp đồng trọn gói như thế nào?

Chào tổ tư vấn, anh chị cho em hỏi: Đối với hợp đồng xây dựng trọn gói nếu có công việc phát sinh ngoài thỏa thuận trong hợp đồng thì nhà thầu phải làm gì? Mong hỗ trợ!

Bước 1, hai bên thỏa thuận điều chỉnh khối lượng công việc phát sinh ngoài phạm vi công việc trong hợp đồng đã ký.

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 37 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định:

Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký (đối với hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị là nằm ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn là nằm ngoài nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện).

Trường hợp này, khi điều chỉnh khối lượng không làm vượt giá gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng; trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định; trường hợp thỏa thuận không được thì khối lượng các công việc phát sinh đó sẽ hình thành gói thầu mới, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu này theo quy định hiện hành.

Theo đó, Điểm b Khoản 1 Điều 12 Thông tư 08/2016/TT-BXD hướng dẫn nội dung trên như sau:

Trường hợp bên giao thầu yêu cầu thay đổi phạm vi công việc (tăng, giảm) trong hợp đồng đã ký kết thì khối lượng công việc này phải được Điều chỉnh tương ứng. Việc Điều chỉnh khối lượng này là căn cứ để Điều chỉnh giá hợp đồng.

Như vậy, khi có phát sinh công việc ngoài phạm vi hợp đồng trọn gói đã ký thì nhà thầu và chủ đầu tư thỏa thuận điều chỉnh khối lượng công việc:

- Trường hợp 1: Khối lượng công việc phát sinh không vượt giá gói thầu thì hai bên thỏa thuận, ký kết phụ lục bổ sung.

- Trường hợp 2: Khối lượng công việc phát sinh vượt giá gói thầu thì hai bên cũng thỏa thuận như trên nhưng phải có quyết định của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

- Trường hợp 3: Hai bên không thỏa thuận được về khối lượng công việc phát sinh thì khối lượng công việc phát sinh đó hình thành gói thầu mới.

Bước 2, hai bên trong hợp đồng xây dựng điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói.

Căn cứ Điều 5 Thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn về điều chỉnh giá đối với hợp đồng trọn gói

1. Khi phát sinh khối lượng công việc bổ sung hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng hoặc khi bổ sung khối lượng công việc hợp lý chưa có đơn giá trong hợp đồng, thì các bên tham gia hợp đồng thống nhất đơn giá công việc này trước khi thực hiện. Việc xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng công việc phát sinh, bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng; khối lượng chưa có đơn giá trong hợp đồng. Đơn giá mới được xác định theo Thông tư hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng và các thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Đối với hợp đồng thi công xây dựng có những công trình, hạng Mục công trình, công việc không phải thực hiện trong hồ sơ thiết kế kèm theo hợp đồng đã ký: áp dụng đơn giá trong hợp đồng để Điều chỉnh giảm giá hợp đồng. Khi ký hợp đồng trọn gói, các bên cần có bảng đơn giá kèm theo để thuận lợi cho việc Điều chỉnh giảm, và bảng đơn giá này chỉ dùng để Điều chỉnh giá đối với khối lượng không thực hiện trong hợp đồng.

3. Đối với các trường hợp bất khả kháng, bất khả kháng khác: Đơn giá cho các công việc phải khắc phục hậu quả bất khả kháng được xác định căn cứ vào Điều kiện thực tế, Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng. Có thể áp dụng đơn giá trong hợp đồng đã ký kết; hoặc đơn giá xác định theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá mới cho khối lượng công việc bổ sung, phát sinh bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng.

Bước 3, điều chỉnh dự toán xây dựng theo quy định tại Điều 11 Nghị định 68/2019/NĐ-CP như sau:

1. Dự toán xây dựng đã phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp:

a) Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng;

b) Thay đổi, bổ sung thiết kế nhưng không trái với thiết kế cơ sở, thiết kế cơ sở điều chỉnh hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán kể cả chi phí dự phòng do điều chỉnh giá theo chỉ số giá tăng so với chỉ số giá tính trong dự phòng trượt giá nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.

2. Dự toán xây dựng điều chỉnh phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Trường hợp dự toán xây dựng điều chỉnh do điều chỉnh giá theo chỉ số giá tăng so với chỉ số giá tính trong dự phòng trượt giá nhưng không làm thay đổi giá trị dự toán xây dựng đã được phê duyệt thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh và phê duyệt sau khi có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư. Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của người quyết định đầu tư thì người quyết định đầu tư phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc phê duyệt điều chỉnh của mình.

4. Người quyết định đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng của dự toán xây dựng. Chủ đầu tư quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng trong dự toán của dự án lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào