Có những biện pháp khắc phục hậu quả nào đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng?
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 31/12/2019) như sau:
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây theo quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này:
- Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi nợ; buộc thu hồi số vốn sử dụng không đúng quy định; buộc thu hồi phần số dư cấp tín dụng vượt mức hạn chế, giới hạn;
- Buộc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; buộc bán số cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định; buộc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; buộc khôi phục lại số cổ phần đã chuyển nhượng;
- Buộc trích lập các quỹ đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong thời hạn tối đa 06 tháng; buộc phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro; buộc hoàn nhập số tiền dự phòng rủi ro đã sử dụng không đúng quy định, chuyển khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro hạch toán nội bảng theo quy định của pháp luật; buộc hủy bỏ ngay quy định nội bộ không đúng quy định của pháp luật; buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; buộc duy trì đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
- Buộc hoàn trả/thu hồi tài sản ủy thác cho bên ủy thác; buộc hoàn trả ngay số phí bảo hiểm đã thu, thu hồi ngay số tiền bảo hiểm đã trả; buộc khôi phục nguyên trạng khoản nợ về trước thời điểm thực hiện hoạt động mua, bán nợ;
- Buộc thực hiện ngay việc đính chính thông tin sai lệch; buộc gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác; buộc nộp ngay số phí bảo hiểm bị thiếu;
- Buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả;
- Buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc duy trì tỷ lệ giá trị tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động so với vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp theo đúng quy định;
- Buộc niêm yết công khai ngay bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; buộc thực hiện thủ tục chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài hoặc dừng hoạt động niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài đối với hành vi vi phạm;
- Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm;
- Chưa cho chia cổ tức đối với hành vi vi phạm;
- Không được ký hợp đồng thanh toán thẻ với các tổ chức thanh toán thẻ khác;
- Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp: thu hồi giấy phép; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đối ngoại tệ; thu hồi giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài; thu hồi giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Thay thế các đối tượng được bầu, bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm các đối tượng được bầu, bổ nhiệm vi phạm quy định.
Trên đây là nội dung quy định về vấn đề bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật