15 tuổi có chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản?
- Tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: ...
- Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
- Theo Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định phân loại tội phạm như sau:
+ Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
+ Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
=> Như vậy, hành vi trộm cắp 20 triệu của bạn chỉ thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, mà bạn chỉ mới 15 tuổi nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật