Lái xe thuê gây tai nạn giao thông, ai phải bồi thường thiệt hại?
Xe ô tô được xem là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
"Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định."
Căn cứ tiếp Khoản 2, Khoản 3 Điều này quy định:
"2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn chỉ thực hiện công việc làm thuê, làm công ăn lương. Vì vậy mà chúng tôi xác định chiếc xe bạn thực hiện công việc lái xe chưa được chuyển giao cho bạn (tức là chiếc xe được xem là nguồn nguy hiểm cao độ như đã nêu trên thuộc sở hữu, chiếm hữu của chủ xe là gia đình anh Hồ)
=> Như vậy, trong trường hợp này chủ phương tiện là gia đình anh Hồ phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.
Riêng đối với hành vi điều khiển phương tiện của bạn nếu có vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đủ cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật