Bị tạm giữ bằng lái xe tháng 6 thì tháng 11 có được nhận lại bằng không?
*Về việc nhận lại Giấy phép lái xe.
Theo Điều 15 Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định việc xử lý giấy tờ hết thời gian tạm giữ như sau:
=> Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dẫn chiếu đến Khoản 2 Điều 82 Luật xử lý hành chính 2012 quy định: Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản
Vậy nên, khi hết thời gian tạm giữ Giấy phép lái xe mà bạn không đến lấy thì Giấy phép lái xe được chuyển cho cơ quan được giao quản lý. Cho nên khi bạn đến cơ quan đang lưu trữ để nhận lại Giấy phép lái xe.
*Về tiền phạt.
Theo Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
- Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
Như vậy, nếu bạn chưa nộp phạt theo biên bản xử phạt thì tháng 11 bạn đi làm thủ tục lấy giấy phép lái xe, bạn sẽ nộp phạt theo biên bản xử phạt đồng thời nộp thêm 0.05% trên tổng số tiền chưa nộp/1 ngày.
Còn nếu bạn đã đóng phạt theo biên bản xử phạt thì bạn không phải nộp tiền xử phạt.
Ban biên tập phản hồi đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật