Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng được giao kết tại chi nhánh tòa nào được giải quyết?
Về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đối với tranh chấp thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật này thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trường hợp này, do các đương sự không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nên không áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
“Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Điểm g Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Tòa án nơi bị đơn có trụ sở và Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trường hợp nguyên đơn lựa chọn Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết tranh chấp thì tôn trọng và thực hiện theo quyền định đoạt của nguyên đơn.
Hợp đồng tín dụng này có hoạt động giải ngân tiền vay tại chi nhánh M của Ngân hàng nên nơi có chi nhánh M của Ngân hàng được xác định là nơi thực hiện hợp đồng.
Do vậy, Tòa án nơi có chi nhánh M của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp nêu trên.
Trên đây là nội dung hướng dẫn tại Mục 5 Phần IV Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật