Yêu cầu an toàn đối với truyền động cáp của Cần trục
Yêu cầu an toàn đối với truyền động cáp của Cần trục quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 29:2016/BLĐTBXH về An toàn lao động đối với Cần trục, cụ thể như sau:
2.8. Yêu cầu đối với truyền động cáp
Khi thiết kế truyền động cáp, phải tính đến sự phân bố tải trọng không đều có thể xảy ra giữa các nhánh cáp, nếu điều đó không được loại trừ trong quá trình thiết kế.
Bộ cân bằng cáp phải bố trí trong sơ đồ mắc cáp để cho phép cáp dịch chuyển trên bộ cân bằng cáp mà không có độ trượt giữa cáp và bộ cân bằng.
2.8.1. Tang cuốn cáp
Tang cuốn cáp phải được sản xuất từ vật liệu có đặc tính phù hợp với mục đích sử dụng và tuổi thọ của tang.
Nếu với một lớp cáp, tang không thể cuốn được toàn bộ chiều dài cáp thì phải đặc biệt chú ý đến biện pháp để đảm bảo cho cáp cuốn chính xác từ lớp này đến lớp kế tiếp (dẫn cáp, nếu cần thiết) trong mọi điều kiện làm việc.
Tang có xẻ rãnh cáp phải được thiết kế sao cho khi nhả hết cáp (Vị trí giới hạn ngoài cùng) thì trên tang còn lại ít nhất 2 vòng cáp trước vị trí cố định đầu cáp trên tang. Tại vị trí giới hạn trong cùng của tang cuốn một lớp cáp (Khi cuốn hết cáp lên tang), chiều dài phần tang xẻ rãnh phải còn lại ít nhất một vòng cáp chưa cuốn.
Chiều dầy của thành tang phải được xác định bằng tính toán hoặc bằng thử nghiệm. Nếu không tính toán hoặc thử nghiệm thì lượng dư hao mòn phải được tính thêm vào chiều dầy thành tang. Giá trị lượng dư hao mòn được xác định có tính đến các nhân tố như độ cứng của vật liệu, môi trường và điều kiện sử dụng.
Tang cuốn cáp phải được thiết kế sao cho cáp không chạy ra khỏi đầu tang.
Đối với tang cuốn một lớp cáp phải sử dụng vành tang, bộ dẫn cáp với công tắc giới hạn hành trình để tránh cáp bị dồn cục trên tang.
Tang cuốn nhiều lớp cáp phải có vành tang tại vị trí mà cáp bắt đầu cuốn lớp tiếp theo.
Vành tang và các bề mặt giới hạn hành trình cuốn cáp khác phải bằng phẳng và phải cao hơn bề mặt của lớp cáp ngoài cùng ít nhất là 1,5 lần đường kính cáp.
Rãnh cáp trên tang là một cung tròn có bán kính không được nhỏ hơn 0,525 lần đường kính danh nghĩa của cáp. Dung sai của đường kính cáp phải được xét đến khi xác định bán kính rãnh cáp.
Chiều sâu rãnh cáp không được nhỏ hơn 0,33 lần đường kính danh nghĩa của cáp.
Rãnh cáp phải có bề mặt trơn nhẵn và không có khuyết tật để tránh làm hỏng cáp, các cạnh sắc phải được vê tròn.
Cố định đầu cáp trên tang, cùng với 2 vòng cáp giảm tải nhờ ma sát, phải có khả năng chịu được lực kéo không nhỏ hơn 2,5 lần lực kéo danh nghĩa của cáp. Trong phép tính ma sát giữa cáp và tang không được lớn hơn 0,1.
Nếu dùng kẹp cáp để cố định đầu cáp trên tang thì số lượng kẹp cáp phải là hai hoặc nhiều hơn. Việc cố định đầu cáp trên tang không được làm giảm lực kéo đứt cáp quá 20%.
Cố định đầu cáp phải đảm bảo an toàn và dễ dàng tiếp cận. Nếu có hai hoặc nhiều hơn đường cáp cuốn trên tang thì chúng phải có khả năng điều chỉnh được chiều dài cáp tại vị trí cố định đầu cáp.
2.8.2. Puly
Mặt cắt ngang của rãnh puly có bán kính cong ở đáy rãnh phải phù hợp với kích cỡ của cáp. Hai thành bên rãnh puly phải trong khoảng từ 0,525 đến 0,630 lần đường kính danh nghĩa của cáp. Hai thành bên rãnh puly, tiếp tuyến với đường cong đáy rãnh và đối xứng nhau qua đường tâm của rãnh, tạo thành góc nghiêng trong khoảng từ 30° đến 60°. Góc xiên lệch lớn nhất cho phép giữa đường tâm cáp và đường tâm rãnh puly phải được xem xét lựa chọn theo góc nghiêng giữa hai thành bên rãnh puly.
Chiều sâu rãnh puly không được nhỏ hơn 1,5 lần đường kính danh nghĩa của cáp. Bề mặt rãnh puly phải đảm bảo không có khuyết tật để tránh làm hỏng cáp. Các cạnh sắc phải được vê tròn.
Ban biên tập phản hồi thông tin.
Thư Viện Pháp Luật