Phạm tội gây rối trật tự công cộng thì bao lâu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?
Hành vi gây rối trật tự công cộng của bạn trước đây có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 theo đó:
- Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (Điểm a Khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).
Căn cứ quy định của pháp luật thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm do vậy đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
Đối chiếu quy định của pháp luật thì thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là của bạn là 5 năm, bên cạnh đó nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, bạn cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi bạn ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy, nếu đúng như bạn mô tả là thời gian xảy ra hành vi gây rối trật tự công cộng của bạn đã diễn ra cách đây 6 năm và tội danh bạn bị truy tố là theo Khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 đồng thời từ trước đến nay bạn không hề nhận một quyết định truy nã nào thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của bạn đối với tội danh này là đã hết ban biên tập xin được thông tin đến bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật