Xe không chính chủ bị CSGT tạm giữ do vi phạm thì xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì trách nhiệm của chủ xe như sau:
"3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe."
Theo đó, có nghĩa là khi bạn có mua bán xe với cá nhân, tổ chức khác thì trong thời gian 30 ngày kể từ ngày làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, bạn phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký xe tiến hành làm thủ tục đăng ký sang tên. Sau thời gian 30 ngày bạn không làm thủ tục đăng ký sang tên, bạn sẽ bị xử lý vi phạm về việc đi xe không chính chủ.
Cho đến hiện tại, không có quy định về việc giữ xe khi chưa làm thủ tục sang tên trừ trường hợp bạn không chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với chiếc xe. Vì vậy, để chứng minh quyền sở hữu của chiếc xe, bạn cần xuất trình các giấy tờ sau:
– Hợp đồng chuyển quyền sở hữu chiếc xe (hợp đồng mua bán)
– Đăng ký xe
– Các giấy tờ khác có liên quan
Nếu trường hợp bạn không xuất trình được các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, xe của bạn sẽ bị tạm giữ để điều tra đối với các trường hợp có dấu hiệu của hành vi phạm tội.
Đối với trường hợp trên thì bạn cần phải xuất trình giấy Đăng ký xe và Hợp đồng chuyển giao quyền sơ hữu xe (hợp đồng mua bán). Trường hợp hợp đồng mua bán xe đã bị thất lạc thì bạn phải có trách nhiệm liên hệ với người lập hợp đồng để xác minh việc mua bán xe là hợp pháp. Khi đó mới đủ cơ sở chứng minh bạn là chủ xe hiện đang bị CSGT tạm giữ.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục xác minh bạn là chủ xe thì bạn phải liên hệ với người trực tiếp có hành vi phạm luật giao thông để nộp phạt. Trường hợp không liên lạc được với người này thì chủ phương tiện phải đi nộp phạt và lấy xe về. Sau đó, yêu cầu người vi phạm giao thông bồi thường lại số tiền mà mình đã nộp phạt.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc