Công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động và công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngành kiểm sát

Ban biên tập cho tôi hỏi theo quy định định của pháp luật hiện hành thì công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động và công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngành kiểm sát được quy định như thế nào?

Công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức, người lao động và công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngành kiểm sát quy định tại Hướng dẫn 15/HD-VKSTC thực hiện công tác tổ chức cán bộ năm 2017 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:

- Thủ trưởng các đơn vị VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục công chức, viên chức và người lao động; thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và là theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quán triệt, kiểm điểm nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành KSND (ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKSTC-T1 ngày 04/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao) và tiếp tục thực hiện các quy chế, quy định về công vụ, trật tự nội vụ của ngành.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, chú trọng thực hiện đột xuất, quản lý chặt chẽ đội ngũ công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và báo cáo VKSND tối cao những công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Ngay sau khi ban hành quyết định xử lý kỷ luật, VKSND các cấp phải gửi quyết định về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp, theo dõi và báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao. VKSND tối cao thống kê vi phạm bị xử lý kỷ luật công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị, VKSND các cấp vào thời điểm nhận được quyết định kỷ luật (nhận trực tiếp) hoặc từ ngày VKSND cấp dưới gửi (tính theo dấu bưu điện nơi gửi). Đơn vị, VKSND địa phương nào không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao. Thủ trưởng đơn vị, Viện trưởng VKSND cấp dưới phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm, yếu kém xảy ra tại đơn vị mình.

- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 01/12/2014 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.

- Chủ động, kịp thời tổ chức kiểm tra, xác minh và báo cáo VKSND cấp trên theo đúng quy định phân cấp quản lý công chức, viên chức khi có thông tin liên quan đến hành vi tiêu cực, vi phạm quy định nghiệp vụ, quy định của ngành, vi phạm pháp luật... của công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, nhất là những thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về bảo vệ bí mật công tác, bí mật hồ sơ, tài liệu… Những đơn vị để mất đoàn kết nội bộ, có cán bộ mắc sai phạm thì trước hết là người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao, sau đó sẽ xác minh, xử lý theo quy định.


Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào