Trình tự, thủ tục xét danh hiệu Lao động tiên tiến cho giáo viên
Cơ sở pháp lý:
- Nghị định 91/2017/NĐ-CP;
- Luật Thi đua, Khen thưởng 2003;
- Thông tư 08/2017/TT-BNV.
1/ Điều kiện, tiêu chuẩn để được xét danh hiệu "Lao động tiên tiến":
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013, sửa đổi Khoản 1 Điều 24 Luật thi đua khen thưởng 2003.
“Điều 24
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;
b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.”
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2017/NĐ-CP:
“Điều 10. Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”
1. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
3. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
4. Thời gian nghỉ thai sản theo, quy định được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
5. Đối với cá nhân chuyển công tác, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm bình xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ).
Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận.
6. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.”
2/ Hồ sơ xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến":
Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 91/2017/NĐ-CP:
“2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua có 01 bộ (bản chính), gồm:
a) Văn bản đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản họp bình xét thi đua;”
3/ Thẩm quyền quyết định:
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư 08/2017/TT-BNV quy định về thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp sở, ban, ngành và cấp huyện do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng xét, trình giám đốc sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
=> Như vậy, giáo viên sẽ gửi hồ sơ cho Hiệu trưởng nhà trường và thẩm quyền tặng danh hiệu lao động tiên tiến đối với giáo viên thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật