Vay tín chấp không có khả năng trả nợ thì phải làm sao?
Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, khi vay tiền thì bạn phải có nghĩa vụ trả nợ, không thể lấy lý do không có khả năng trả nợ để từ chối thực hiện nghĩa vụ. Nếu bạn không trả nợ đúng hạn có thể bạn phải chịu thêm một khoản phạt vi phạm, ngân hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ bạn. Việc vay tín chấp thường thủ tục đơn giản, nhanh chóng, do đó, trước khi ký kết hợp đồng vay thì cần xem lại mức lãi suất, phạt vi phạm... và các điều khoản khác để tránh trường hợp nêu trên.
Trân trọng!