Nhiệm vụ và quyền hạn của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định như thế nào?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quy định tại Điều 2 Quyết định 66/QĐ-BNV năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, cụ thể như sau:
1. Về xây dựng quy hoạch, kế hoạch.
Căn cứ quy hoạch chung của Bộ, lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về xây dựng và phát triển Trường phù hợp với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Về đào tạo, bồi dưỡng.
a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và triển khai các chương trình sau khi được phê duyệt.
b) Xây dựng, chỉnh sửa các tài liệu bồi dưỡng ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính; tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tài liệu đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành và các tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
c) Căn cứ nhu cầu và yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Bộ và ngành Nội vụ, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm thuộc nguồn ngân sách nhà nước trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
d) Đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương; chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ.
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ.
e) Bồi dưỡng trước khi tuyển dụng; bồi dưỡng thi nâng ngạch, từ ngạch cán sự, lên ngạch chuyên viên, từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch.
g) Tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc và kiến thức bổ trợ khác cho cán bộ, công chức, viên chức.
h) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân.
i) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước và các kỹ năng khác cho cán bộ, công chức cấp xã và các đối tượng khác do cấp có thẩm quyền giao.
k) Bồi dưỡng kỹ năng hành chính cho công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.
l) Tổ chức giảng dạy, học tập theo mục tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền giao.
m) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ, ngành Nội vụ; nghiên cứu đề xuất phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù và yêu cầu của ngành Nội vụ.
n) Cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận cho cán bộ, công chức, viên chức, người học sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
3. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
a) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận làm cơ sở khoa học phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ; chuyển giao công nghệ, tư vấn cung cấp các dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.
c) Hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Nội vụ và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu.
4. Ký kết hợp đồng dịch vụ xây dựng đề thi tuyển dụng, nâng ngạch, công chức, viên chức.
5. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng đề án, dự án trong nước và các dự án quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
6. Về tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí.
a) Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường theo quy định, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt.
b) Thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo về các hoạt động của Trường theo quy định.
c) Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; hợp đồng, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm vào ngạch, nâng bậc lương, thôi việc, nghỉ hưu và các chế độ chính sách khác đối với công chức, viên chức theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.
d) Xây dựng, quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí, thư viện, cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Trường.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật