Những vấn đề kiểm sát việc lấy lời khai, đối chất trong phiên Tòa sơ thẩm
Theo Điều 14 Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định 458/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định việc kiểm sát lấy lời khai của kiểm sát viên trong phiên tòa sơ thẩm như sau:
1. Thẩm phán chỉ lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai và nội dung khai chưa đầy đủ. Việc lấy lời khai của đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 98 BLTTDS;
2. Căn cứ để Thẩm phán lấy lời khai người làm chứng: Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết để bảo đảm việc giải quyết vụ án toàn diện, khách quan, chính xác. Trước khi lấy lời khai người làm chứng, Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan về lời khai của mình (Điều 99 BLTTDS);
3. Kiểm sát căn cứ Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau và giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau: Chỉ tiến hành khi có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong các lời khai (Điều 100 BLTTDS);
4. Kiểm sát thủ tục lấy lời khai: Phải do Thẩm phán tiến hành tại trụ sở Tòa án; Thư ký chỉ có thể giúp Thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Biên bản ghi lời khai phải có chữ ký của Thẩm phán.
Trong vụ án có đương sự không đến được Tòa án vì lý do chính đáng (đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, ốm đau, bệnh tật, già yếu…), người nghiên cứu hồ sơ chú ý biên bản lấy lời khai mà Tòa án lấy lời khai ngoài trụ sở Tòa án phải có chữ ký xác nhận của người chứng kiến hoặc xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi Tòa án tiến hành lấy lời khai.
Trong vụ án có đương sự là người thuộc khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 69 BLTTDS, người nghiên cứu hồ sơ kiểm tra biên bản lấy lời khai có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều 98,khoản 3 Điều 99 BLTTDS không.
5. Trường hợp lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa thì phải kiểm tra việc có xác nhận tẩy, xóa của người khai không.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật