Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu
Theo Thông tư 60/2019/TT-BTC quy định trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu thì Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu như sau:
1. Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp này là trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu.
2. Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán để mua và nhập khẩu hàng hóa sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này.
3. Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, theo hình thức thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các khoản sau đây:
a) Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;
b) Các khoản người mua phải thanh toán nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:
b.1) Các khoản đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán (ví dụ: tiền trả trước, tiền ứng trước cho hàng hóa, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa);
b.2) Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán.
c) Các khoản điều chỉnh cộng và các khoản điều chỉnh trừ theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này.
4. Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
a) Người mua không bị hạn chế quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu, trừ các hạn chế dưới đây:
a.1) Hạn chế do pháp luật Việt Nam quy định như: Các quy định về việc hàng hóa nhập khẩu phải dán nhãn mác bằng tiếng Việt, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hoặc hàng hóa nhập khẩu phải chịu một hình thức kiểm tra trước khi được thông quan;
a.2) Hạn chế về nơi tiêu thụ hàng hóa;
a.3) Hạn chế khác không ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa. Những hạn chế này là một hoặc nhiều yếu tố có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hàng hóa nhập khẩu, nhưng không làm tăng hoặc giảm giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa đó.
Ví dụ: Người bán ô tô yêu cầu người mua ô tô không được bán hoặc trưng bày ô tô nhập khẩu trước thời điểm giới thiệu mẫu ô tô này ra thị trường.
b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan.
Ví dụ: Người bán định giá bán hàng hóa nhập khẩu với điều kiện là người mua cũng sẽ mua một số lượng nhất định các hàng hóa khác nữa; Giá cả của hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc vào giá của hàng hóa khác mua cùng hàng hóa nhập khẩu.
Trường hợp việc mua bán hàng hóa hay giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một hay một số điều kiện, nhưng người mua có tài liệu khách quan để xác định mức độ ảnh hưởng bằng tiền của sự phụ thuộc đó thì vẫn được xem là đã đáp ứng điều kiện này; khi xác định trị giá hải quan phải điều chỉnh khoản tiền do ảnh hưởng của sự phụ thuộc đó vào trị giá giao dịch.
c) Sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu, trừ khoản phải cộng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 13 Thông tư này, người mua không phải thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hóa nhập khẩu mang lại.
d) Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
5. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu là máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu kèm theo: trị giá hải quan là trị giá giao dịch của máy móc thiết bị và phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu.
a) Trường hợp phần mềm điều khiển, vận hành được ghi, lưu trữ trong phương tiện trung gian để cài đặt vào máy móc thiết bị sau khi nhập khẩu:
a.1) Trường hợp trị giá của phần mềm điều khiển, vận hành tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian thì trị giá hải quan là trị giá giao dịch của máy móc thiết bị và phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu, không bao gồm trị giá của phương tiện trung gian. Cách xác định trị giá của phương tiện trung gian thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này;
a.2) Trường hợp trị giá của phần mềm điều khiển, vận hành không tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian thì trị giá hải quan là trị giá giao dịch của máy móc thiết bị và phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu, bao gồm cả trị giá của phương tiện trung gian.
b) Các trường hợp không cộng trị giá phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu vào trị giá hải quan của máy móc thiết bị:
b.1) Phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu để nâng cấp, thay thế phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu lần đầu đã được cộng vào trị giá của máy móc thiết bị nhập khẩu;
b.2) Phần mềm điều khiển, vận hành sản xuất tại Việt Nam để cài đặt vào máy móc thiết bị nhập khẩu.
c) Trường hợp người mua phải thanh toán chi phí về quyền sử dụng phần mềm điều khiển, vận hành để cài đặt và vận hành máy móc thiết bị thì số tiền thực tế thanh toán cho quyền sử dụng phần mềm điều khiển, vận hành phải được tính vào trị giá của máy móc thiết bị nhập khẩu.
d) Thủ tục khai báo, kiểm tra:
d.1) Trường hợp phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu cùng máy móc thiết bị:
d.1.1) Người khai hải quan xác định và khai báo trị giá hải quan của máy móc thiết bị, bao gồm cả trị giá phần mềm điều khiển, vận hành; xác định và khai báo trị giá hải quan của phương tiện trung gian (nếu có) trên tờ khai hải quan nhập khẩu máy móc thiết bị hoặc tờ khai trị giá hải quan (nếu có);
d.1.2) Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
d.2) Trường hợp phần mềm điều khiển, vận hành không nhập khẩu cùng máy móc thiết bị:
d.2.1) Người khai hải quan thực hiện như sau:
d.2.1.1) Trường hợp phần mềm điều khiển, vận hành được nhập khẩu trước khi nhập khẩu máy móc thiết bị, người khai hải quan khai báo, xác định trị giá phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản này, trong đó tại ô “Mô tả hàng hóa” phải khai báo phần mềm điều khiển, vận hành dùng cho máy móc thiết bị dự kiến nhập khẩu; tại ô “Mã số hàng hóa” phải khai báo mã số hàng hóa của máy móc thiết bị dự kiến nhập khẩu; xác định và khai báo trị giá hải quan của phương tiện trung gian (nếu có) trên tờ khai nhập khẩu phần mềm điều khiển, vận hành. Khi nhập khẩu máy móc thiết bị, tại ô “Chi tiết khai trị giá” của tờ khai nhập khẩu máy móc thiết bị, người khai hải quan phải ghi rõ số tờ khai nhập khẩu phần mềm điều khiển, vận hành;
d.2.1.2) Trường hợp phần mềm điều khiển, vận hành được nhập khẩu sau khi nhập khẩu máy móc thiết bị, người khai hải quan khai báo mã số, trị giá hải quan của phần mềm điều khiển, vận hành, phương tiện trung gian (nếu có) như quy định tại điểm d.2.1.1; tại ô “Chi tiết khai trị giá”, người khai hải quan ghi rõ số tờ khai nhập khẩu máy móc thiết bị.
d.2.2) Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ, tài liệu có liên quan đến trị giá phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu, phương tiện trung gian (nếu có), khai báo của người khai hải quan và xử lý như sau:
d.2.2.1) Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng theo quy định tại điểm d.2.1, cơ quan hải quan yêu cầu người khai hải quan khai báo bổ sung, xử lý vi phạm theo quy định. Nếu người khai hải quan không khai báo bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu khai bổ sung, cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp, xử lý vi phạm theo quy định;
d.2.2.2) Trường hợp người khai hải quan khai báo và xác định trị giá theo đúng quy định tại điểm d.2.1, cơ quan hải quan chấp nhận trị giá hải quan do người khai hải quan tự xác định, tự kê khai.
6. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu là phương tiện trung gian (carrier media) chứa đựng phần mềm ứng dụng dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu (software for data processing equipment), trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của phương tiện trung gian, không bao gồm trị giá của phần mềm ứng dụng nếu trên hóa đơn thương mại, trị giá của phần mềm ứng dụng được tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian.
7. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này bao gồm (mỗi chứng từ 01 bản chụp):
a) Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại;
b) Chứng từ, tài liệu thể hiện mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại điểm a.2 khoản 4 Điều 7 Thông tư này khi cơ quan hải quan yêu cầu;
c) Chứng từ, tài liệu liên quan đến các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại (nếu có khoản tiền này);
d) Chứng từ, tài liệu liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng (nếu có khoản điều chỉnh cộng);
đ) Chứng từ, tài liệu liên quan đến các khoản điều chỉnh trừ (nếu có khoản điều chỉnh trừ);
e) Chứng từ, tài liệu khác liên quan đến trị giá hải quan do người khai hải quan tự kê khai, tự xác định.
Trân trọng!