Bỏ tiền sửa nhà đang ở giờ chủ đất đòi lại đất xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ có giá trị pháp lý để nhà nước xác nhận người có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Theo thông tin bạn cung cấp: quyền sử dụng đất nói trên được ông nội bạn sang tên cho chú bạn một cách hợp pháp nên chú bạn được xác định là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Do đó việc bố mẹ bạn sử dụng căn nhà và đóng thuế từ năm 1999 cho tới nay không làm thay đổi người có quyền sử dụng đất là chú bạn. Chính vì thế chú bạn có quyền đòi lại nhà và đất đã giao cho mẹ bạn sử dụng cho đến nay.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng bố mẹ bạn phải tiến hành sửa chữa nhà ở trên mảnh đất đó thì bố mẹ bạn có quyền yêu cầu chú bạn phải thanh toán lại chi phí sửa chữa cho bố mẹ của bạn theo Điều 492 Bộ luật dân sự năm 2015.
Vậy mẹ bạn và chú bạn có thể thỏa thuận với nhau về việc chi trả lại các chi phí mẹ bạn đã bỏ ra để sửa chữa nhà ở trong thời gian sử dụng và mẹ bạn phải trả lại nhà và đất cho chú của bạn.
Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được với nhau thì căn cứ theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013:
“Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai:
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”
Như vậy, bố mẹ bạn có thể làm đơn gửi tới UBND xã nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Nếu hòa giải không thành thì mẹ bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi tới Tòa án dân cấp huyện để giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1.Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật