Hướng dẫn xác định khoản tiền thu lợi bất chính từ nhiều người để xác định trách nhiệm hình sự
Căn cứ Khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
"Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm."
Theo đó:
Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Trên đây cũng là nội dug giải đáp thắc mắc của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật