Có phải hạ bằng D khi đủ 60 tuổi không?
Căn cứ vào Điểm d và Điểm e Khoản 1 và Khoản 2 Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:
“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);”
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam”.
“2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.”
Ngoài ra căn cứ vào Khoản 4 Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về thời hạn bằng lái xe hạng D như sau:
“Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Như vậy, theo quy định của pháp luật người đủ 24 tuổi trở lên được phép lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (hạng D) và hiện nay chưa có quy định về độ tuổi tối đa được cấp bằng lái xe hạng D, mà chỉ có quy định giới hạn độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (tương đương với giấy phép lái xe hạng E) nên sang năm bạn 60 tuổi thì vẫn đủ điều kiện lái xe hạng D.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật