Ai có thẩm quyền hoãn và miễn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?
Tại Khoản 3 Điều 18 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Có quy định về thủ tục miễn và hoãn chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:
3. Thủ tục đề nghị hoãn miễn chấp hành quyết định:
a) Hồ sơ đề nghị hoãn miễn bao gồm:
Đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định của người phải chấp hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
Tài liệu chứng minh thuộc diện được hoãn, miễn chấp hành quyết định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
b) Hồ sơ đề nghị gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
=> Như vậy, theo quy định trên thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có thẩm quyền miễn hoặc hoãn chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định:
Điều kiện để hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
- Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện;
- Gia đình có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
- Gia đình có khó khăn đặc biệt là gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không có tài sản có giá trị để tạo thu nhập phục vụ sinh hoạt hoặc có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con bị ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là lao động duy nhất của gia đình đó và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
- Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.
Điều kiện để miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
- Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện;
- Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại Khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
- Người tiến bộ rõ rệt là người tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
- Người lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Ủy ban nhân dân cấp xã khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật