Cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh tại đâu thì đúng quy định?

Cho em hỏi quy định về việc làm ở bệnh viện thuộc sở y tế tỉnh nào thì tỉnh đó có trách nhiệm làm chứng chỉ hành nghề đúng không ạ. Không kể người cần làm có hộ khẩu tỉnh khác phải không ạ? Rất mong nhận phản hồi. 

Tại Điều 9 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, có quy định về nơi nộp hồ sơ cấp lần đầu và cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh như sau:

Điều 9. Nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Việc nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định tại các điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định này được thực hiện như sau:

a) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Y tế;

b) Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế.

=> Căn cứ theo quy định trên thì việc cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu và cấp lại đối với những người làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thuộc sự quản lý của sở y tế của tỉnh đó thì sẽ được Sở y tế cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh không phụ thuộc vào hộ khẩu thường trú của người đó ở đâu. Trừ trường hợp là người xin cấp chứng chỉ hành nghề là người nước ngoài hoặc cấp lại đối với người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Đồng thời, tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP, có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh như sau:

2. Điều kiện và yêu cầu:

2.1. Điều kiện:

- Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

+ Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận là lương y;

+ Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

- Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2.2. Yêu cầu về xác nhận quá trình thực hành:

Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

- 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ ;

- 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;

- 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.

- 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.

Bạn có thể tham khảo về thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (tại đây)

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào