Thủ tục đổi bằng lái xe bị hỏng?
Thủ tục đổi bằng lái xe bị hỏng?
1. Căn cứ pháp lý: Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, Thông tư 188/2016/TT-BTC
2. Điều kiện:
Bị hỏng và còn thời hạn sử dụng. Đồng thời không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định các trường hợp không được đổi giấy phép lái xe bao gồm:
- Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy phép lái xe của ngành Giao thông vận tải nhưng không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe, bảng kê danh sách cấp giấp phép lái xe (sổ quản lý);
- Quyết định ra quân tính đến ngày làm thủ tục đổi quá thời hạn 06 tháng đối với giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng cấp;
- Người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.
Thủ tục đổi bằng lái xe bị hỏng? (Hình từ internet)
3. Hồ sơ:
Tại Điều 38 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp bao gồm:
- Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này.
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau:
+ Người có giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3;
+ Người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn.
- Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
4. Phương thức nộp: gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức kê khai trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải
5. Cơ quan giải quyết:
Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cơ quan cấp giấy phép lái xe
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
6. Thời hạn giải quyết:
Khoản 8 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định thời gian đổi giấy phép lái xe: Không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định.
7. Lệ phí: 135.000 đồng/lần quy định tại Biểu mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe ban hành kèm theo Thông tư 188/2016/TT-BTC
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục đổi bằng lái xe bị hỏng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật