Mua súng bắn điện trên mạng có phạm tội không?
Căn cứ Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về công cụ hỗ trợ như sau:
...
11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
Mặt khác Căn cứ Khoản 2 Điều 5 của Luật này quy định:
...
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra căn cứ khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
...
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật thì hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Súng bắn điện thuộc một trong các công cụ hỗ trợ do đó, bạn không được phép mang súng bắn điện trong người, trong cặp, giấu trong cốp xe… Nếu bạn vẫn cố tình mua về và sử dụng thì sẽ bị xử phạt nặng nếu bị phát hiện.
Ban biên tập xin được phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật