Quy định về kiểm sát bản án dân sự sơ thẩm đối với phần nhận định của Tòa án năm 2019
Căn cứ Điểm c Khoản 4 Điều 6 Quyết định 399/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định kiểm sát bản án dân sự sơ thẩm đối với phần nhận định của Tòa án như sau:
- Xác định nhận định của bản án có phù hợp hoặc không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa. Tòa án có nhận định, phân tích từng vấn đề mà đương sự yêu cầu giải quyết (yêu cầu nào có căn cứ, yêu cầu nào không có căn cứ; yêu cầu nào phù hợp, yêu cầu nào không phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa). Trên cơ sở đó, đối chiếu nhận định của bản án với ý kiến của Viện kiểm sát, quan điểm của Luật sư (nếu có).
- Kiểm sát việc Tòa án phân tích, viện dẫn căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự; yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); ý kiến của đại diện Viện kiểm sát (nếu có); giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Kiểm sát việc Tòa án áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết từng nội dung cụ thể, xác định tranh chấp phải áp dụng quy định pháp luật nào để giải quyết (Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Bộ luật lao động, các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án cùng các các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành); bản án đã áp dụng đúng văn bản quy phạm pháp luật, điểm, khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật hay chưa.
- Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS thì kiểm sát việc Tòa án phân tích, lập luận về việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng có chính xác không.
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật