Tiêu chuẩn Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 07/2019/TT-BVHTTDL (có hiệu lực ngày 15/10/2019) thì Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được quy định như sau:
a) Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ;
b) Cách thức xét tặng:
Tổ chức xét tặng mỗi năm 01 lần tại phiên họp lần thứ nhất cửa Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ đối với cá nhân công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có hai lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”.
Tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định:
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
Sáng kiến (là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp công tác, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật) hoặc đề tài nghiên cứu khoa học, để làm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc. Sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu (đối với Lực lượng vũ trang) phải đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
Việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương xem xét, công nhận. Việc công nhận mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phạm vi ảnh hưởng do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, công nhận.
Trên đây là quy định về tiêu chuẩn Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc